Đức cha lambert de la motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo malta ngày 3 tháng...

45
Đức cha Lambert de la Motte Ký S1660-1662 Lời giới thiệu Ba giám mục người Pháp được Tòa Thánh sai sang Á Đông là Đức cha Pallu, Đức cha Lambert và Đức cha Cotolendi. Khi sai các ngài đi, Tòa Thánh gửi cho các ngài một huấn thị chỉ dẫn nhiều sự cần t hiết, trong đó có vấn đề phải báo cáo về cuộc hành trình : « Chư huynh hãy diễn tả ngắn gọn về những miền đất mà chư huynh sẽ đi qua, về lộ trình của chư huynh, và về tất cả những gì chư huynh học được trên đường, cần viết ra đây theo cách thức và lý do ở nơi đã liệu trước. » (Huấn Thị năm 1659). Đó là lý do chính mà Đức cha Lambert đã viết ra tập ký sự, tựa « Ký sự giản lược cuộc hành trình... », để phúc tr ình cho Tòa Thánh. Sau nữa, ngài còn viết vì mục đích « hướng dẫn những ai có thể đi truyền giáo », như ngài đã nói. Và khi ngài sai cha De Bourges trở lại Âu châu, điều đầu ti ên ngài yêu cầu là : « Trước hết, cha hãy trình bày ra vài điểm đặc thù đáng kể nhất trong cuộc hành trình của mình và cha phải xuất bản tập ký sự về cuộc hành trình để cổ võ ơn gọi nơi các thừa sai muốn đi theo cha, cũng như cha hãy giải thích tại sao cha trở về Âu châu. » (AMEP, t ập 117, tr. 274).

Upload: others

Post on 20-Jun-2020

4 views

Category:

Documents


1 download

TRANSCRIPT

Page 1: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

Đức cha Lambert de la Motte

Ký Sự 1660-1662

Lời giới thiệu Ba giám mục người Pháp được Tòa Thánh sai sang Á Đông là Đức cha Pallu, Đức cha Lambert và Đức cha Cotolendi. Khi sai các ngài đi, Tòa Thánh gửi cho các ngài một huấn thị chỉ dẫn nhiều sự cần thiết, trong đó có vấn đề phải báo cáo về cuộc hành trình : « Chư huynh hãy diễn tả ngắn gọn về những miền đất mà chư huynh sẽ đi qua, về lộ trình của chư huynh, và về tất cả những gì chư huynh học được trên đường, cần viết ra đây theo cách thức và lý do ở nơi đã liệu trước. » (Huấn Thị năm 1659).

Đó là lý do chính mà Đức cha Lambert đã viết ra tập ký sự, tựa « Ký sự giản lược cuộc hành trình... », để phúc trình cho Tòa Thánh. Sau nữa, ngài còn viết vì mục đích « hướng dẫn những ai có thể đi truyền giáo », như ngài đã nói. Và khi ngài sai cha De Bourges trở lại Âu châu, điều đầu tiên ngài yêu cầu là : « Trước hết, cha hãy trình bày ra vài điểm đặc thù đáng kể nhất trong cuộc hành trình của mình và cha phải xuất bản tập ký sự về cuộc hành trình để cổ võ ơn gọi nơi các thừa sai muốn đi theo cha, cũng như cha hãy giải thích tại sao cha trở về Âu châu. » (AMEP, tập 117, tr. 274).

Page 2: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

2

Tập ký sự đầu tiên này của Đức cha Lambert, viết bằng tiếng Pháp, được chính ngài đặt tên là : « Ký sự giản lược cuộc hành trình của các thừa sai Trung Hoa từ Paris tới Hispaham » (AMEP, vol. 135, vol. 136 và vol. 876 ; APF, SOCG, vol. 227), hay : « Đoản ký cuộc hành trình của các thừa sai tông tòa do Tòa Thánh trực tiếp sai tới các vương quốc Trung Hoa, Đàng Ngoài, Đàng Trong, Lào, đảo Hải Nam » (AMEP, vol. 121).1 Hiện nay người ta còn lưu giữ được 5 bản ký sự này viết bằng tay, 4 bản tại Paris và 1 bản tại Rôma, tổng cộng gồm 174 trang bút tích :

AMEP, vol. 121, p. 605-630. AMEP, vol. 135, p. 314-346. AMEP, vol. 136, p. 1-66. AMEP, vol. 876, p. 1-36. APF, SOCG, vol. 227, f. 3r-9v. Bản đầy đủ nhất là bản AMEP, vol. 121 và bản AMEP, vol. 876. Tập ký sự được chia ra thành 14 đoạn, mỗi đoạn có phụ đề khác nhau, với số thứ tự được thêm vào mỗi đoạn, từ 1 tới 14. Cha Jacques de Bourges đã xuất bản gần như toàn tập ký sự này trong tác phẩm Ký Sự Cuộc Hành Trình Của Đức Cha Beryte, tại Paris, năm 1666.2

1 Chữ viết tắt : AMEP (Archives des Missions Étrangères de Paris) và APF (Archivio Storico di Propaganda Fide). 2 Jacques de Bourges, Relation du voyage de Monseigneur l’évêque de Bérythe, Vicaire apostolique du Royaume de la Cochinchine, par la Turquie, la Perse, les Indes, etc. jusqu’au royaume de Siam et autres lieux, Paris, Denis Béchet, 1666, 245 trang.

Page 3: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

3

Đây là một tài liệu lịch sử rất đáng quý. Hy vọng tập ký sự này sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về Đức cha Lambert và tinh thần truyền giáo của ngài.3

Lm Đào Quang Toản

Đức cha Lambert rời Paris ngày 18.6.1660

3 Bản dịch này đã lấy lại một phần bản dịch của Sư Huynh Hoàng Gia Quảng mà Sœur Consolata Hồ Thị Chính gửi cho chúng tôi vào tháng 12 năm 2009.

Page 4: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

4

Ký sự giản lược cuộc hành trình của các thừa sai tông tòa do Tòa Thánh trực tiếp sai tới các vương quốc Trung Hoa, Đàng Ngoài, Đàng Trong, Lào, đảo Hải Nam.

1. Từ Paris đến Bassora Ngày 11 tháng 6 năm 1660, Đức cha Beryte4 được tấn phong giám mục ở Paris.5

Ngày 18 cùng tháng, ngài ra đi truyền giáo Trung Hoa, có cha De Bourges giáo sĩ gốc Paris6 và một gia nhân thuộc giáo phận Paris đi cùng7. Họ tới Lyon ngày 28 tháng 6 và ngày 1 tháng 7, Đức cha Beryte lâm bệnh nặng phải nằm liệt 51 ngày, nên mồng 2 tháng 9 đoàn mới lên đường đi Avignon. Chưa khỏi hẳn, ngài phải nằm cáng từ Avignon tới Marseille, đến nơi ngày 9 tháng 9. Ở đó, có cha Deydier nhập đoàn, cha là giáo sĩ gốc Toulon vùng Provence, đã hiến thân cho cuộc truyền giáo này.8 Có cơ hội khởi hành từ cảng Marseille, các ngài lên tàu ngày 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18

4 Các bản ký sự viết tay và tác phẩm của cha Jacques de Bourges đều viết « Beryte ». 5 Tại nhà nguyện dòng Thăm Viếng, số 17 Rue Saint-Antoine, Paris 14. Giám mục chủ phong là Đức cha Victor Le Bouthilier, tổng giám mục giáo phận Tour. Hai giám mục phụ phong là Đức cha Denis de la Barde, giám mục giáo phận Saint-Brieuc và Đức cha François Pallu, giám mục đại diện tông tòa Đàng Ngoài (xem AMEP, vol. 876, p. 654 ; AFP, SOCP, vol. 3, p. 166r và p. 167v). 6 Cha Jacques de Bourges sinh tại Paris năm 1633. 7 Nicolas Legras (xem Henri Sy, La Société des Missions Étrangères. Les Débuts 1653-1663, Paris, éd. Églises d’Asie, 1998, tr. 140). 8 Cha François Deydier được rửa tội ngày 02/05/1637 tại giáo xứ Sainte-Marie, thành phố Toulon.

Page 5: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

5

ngày. Trong thời gian đó, họ có dịp thăm viếng hang đá và nhà thờ Thánh Phaolô là nhà thờ chánh tòa, cách thành phố Malta 2 dặm và Đức cha Beryte đã phong các chức thánh cho khoảng 70 người theo lời cầu xin của vị giám mục tại đó.

Từ Marseille tới Chypre

Đoàn rời Malta ngày lễ Thánh Tôma và tàu chạm tới các ruộng muối đảo Chypre ngày 28 tháng 12. Nơi đây họ được các cha dòng Phanxicô tại chỗ cho biết trên đảo có một tổng giám mục và 3 giám mục, nhưng chỉ có 2 vị nhìn nhận quyền Tòa Thánh. Còn dân chúng thì rất dốt nát và sẵn sàng đổi chủ vì họ không chịu nổi quyền cai trị tàn bạo của vị chúa đảo.

Họ rời Chypre ngày 5 tháng 1 năm 1661 và ngày 11 tới Alexandrette. Không khí ở đây rất độc, vì vậy những ai phải dừng lại ở đây thì nên ở trên tàu cho tới khi có dịp đi Alep. Tại Alexandrette, có một nhà thờ, một cha của Thánh Địa luôn ở đó9 và có một viên phó lãnh sự Pháp.

9 Các cha của Thánh Địa thường là các tu sĩ dòng Phanxicô.

Page 6: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

6

Rời Alexandrette, họ tới Célan là một làng cách đó 4 dặm vào ngày 21 tháng 1. Hôm sau họ tới Antiokia, nơi đây không có bóng một người công giáo Rôma. Antiokia ở trên bờ sông Oronte, cách cửa biển 6 dặm. Các thừa sai rất đỗi xúc động khi biết rằng nhà thờ ở đây là nhà thờ đầu tiên do thánh Phêrô10 thiết lập mà nay là một đền Hồi giáo. Trong tinh thần của Chúa Giêsu Kitô và của Giáo Hội, họ tạ tội với Chúa theo như Chúa gợi ý cho họ khi họ bước vào Á châu, là tự coi mình như được Hội Thánh sai tới. Và trong tinh thần cùng thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa, cả cuộc hành trình của họ từ đây tới Trung Hoa phải là một cuộc rước kiệu tạ tội với Thiên Chúa, vì người ta đã không biết và không yêu mến Thiên Chúa tại nơi này.

Từ Antiokia, chúng tôi đến nghỉ đêm tại Gearre ngày 24 tháng 1. Hôm sau là lễ thánh Phaolô Trở Lại, chúng tôi tới Alep. Ở đây, ông lãnh sự Pháp11 là một người đầy công nghiệp và đạo đức. Nhờ ông và nhờ các thừa sai trong thành, chúng tôi biết rằng không khó làm cho phần lớn người ly giáo và lạc giáo thuộc nhiều phái trở lại, nếu lấy lòng được vài vị tổng giám mục, giám mục và linh mục của họ. Vì phần lớn trong họ chỉ đi theo lầm lạc vì lợi lộc. Người ta đã thấy từ vài năm gần đây hiệu quả rõ rệt của đường lối đó qua việc vị giám mục của người Surien12 trở lại với Hội Thánh, đem theo ba, bốn ngàn người của phái ông mà đa số sống theo giáo lý tinh tuyền của Kitô giáo. Công việc này cần được một người có tài đức và có ơn Chúa đảm nhận. Đây là một vấn đề quan trọng vì tại Alep có ít

10 Theo truyền thống công giáo, thánh Phêrô là giám mục đầu tiên tại Antiokia. Do đó, có lễ kính « Ngai Tòa Thánh Phêrô Tại Antiokia » (ngày 22 tháng 2) xuất hiện vào thế kỷ thứ 4 và tồn tại cho tới năm 1960. 11 Vào năm 1661 này, vị lãnh sự Pháp là ông François Piquet. Năm 1674, ông trở thành giám mục đại diện tông tòa Babylone. 12 Người Surien (nay gọi là Syrien) tức người dân nước Syria.

Page 7: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

7

nhất 20.000 người thuộc mọi giáo phái, không kể số người Kitô hữu thuộc hệ Ma-rô-nít vẫn tùng phục Tòa Thánh. Ngày 3 tháng 2 chúng tôi có dịp theo một đoàn người đi Babylone13. Chúng tôi băng qua sa mạc và cùng ngày đó, tới một nơi cách Alep một dặm, dựng lều ngủ đêm giữa đồng quê.

Hôm sau chúng tôi đến Ysabou để đợi vài người đi buôn. Ngày mồng 6, chúng tôi tiếp tục lên đường qua sa mạc Ả Rập. Ngày 14 chúng tôi tới gần Dert nơi có một lâu đài và khoảng 100 nóc nhà, trên bờ sông Euphrate. Thường thường, viên tổng trấn nơi đây là một ông chủ người Ả Rập. Ông bắt mỗi đoàn qua con sông này phải đóng ba phần tư đồng14 một kiện đồ và một món quà. Còn nếu dừng lại ở đây thì phải nộp một món quà do ông định giá tùy theo đoàn đông người hay ít người.

Chúng tôi cắm lều cách Dert một dặm. Hôm sau, chúng tôi qua sông Euphrate phía Mésopotamia. Chúng tôi ở lại 3 ngày trên bờ con sông đẹp này trong khi đoàn tiếp tục qua sông trên một con thuyền mong manh15. Người ta bắt phải trả tiền đò một phần tư đồng mỗi kiện đồ trên lưng ngựa hay lạc đà. Ngày 18 chúng tôi tiếp tục đi, ngày 23 đến Anna cũng trên bờ sông Euphrate và chúng tôi ở lại đó ngày 24 và 25. Chúng tôi phải trả mỗi người 2 đồng vì là người Tây16. Đó là giá viên tổng trấn địa phương buộc người ngoại quốc phải trả, ngoài ra mỗi kiện hàng phải đóng năm phần tư đồng. 13 Như mọi người thời đó, Đức cha Lambert đã đồng hoá Babylone với Bagdad. Thực ra, Babylone nằm bên bờ sông Euphrate, trong khi Bagdad nằm bên bờ sông Tigre, cách nhau khoảng 100 cây số. 14 « Đồng » (piastre) ở đây là đồng tiền bằng bạc của Tây Ban Nha, tương đương một đồng ê-cu. Đồng ê-cu là tiền bằng bạc của Pháp. 15 « Đoàn ca-ra-van dùng tới 3 ngày để sang sông Euphrate bằng một con thuyền tồi tàn » (Jacques de Bourges, sđd, tr. 44). 16 « Người Tây » (dịch chữ « francs »). Cha Jacques de Bourges cắt nghĩa : « Người « francs », nói theo ngôn ngữ người Thổ Nhĩ Kỳ, là các Kitô hữu người Âu » (sđd, tr. 34).

Page 8: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

8

Chúng tôi rời Anna ngày 26 và tối khuya ngày 4 tháng 3 mới tới Bagdad. Cửa thành đã đóng, chúng tôi phải nghỉ ngoài trời, trên bờ sông Tigre. Hôm sau, chúng tôi dự tính cho 2 người trong nhóm và người thông dịch vào trước, còn 2 người ở lại giữ đồ. Nhưng người ta không cho vào, phải cho người giữ cầu 2 đồng, chúng tôi đem theo các thứ trên lưng ngựa, trong đựng những đồ quý nhất và chúng tôi không bị lục soát. Tới nơi, vài người trong chúng tôi đi ra trạm hải quan, nơi các kiện hành lý đã được đem tới.

Tới Bagdad ngày 04.3.1661

Chúng tôi không phải trả thuế cho các quyển sách và phẩm phục Giáo Hội. Về những đồ vật hiếm quý mà người ta đã khuyên chúng tôi mua ở Paris, nhân viên quan thuế gần như không thấy, đó là điều chúng tôi đã rất lo lắng vì hải quan ở đây có tiếng là khám xét kỹ. Thật ra chúng tôi được vậy là nhờ ông topigy bachy17, tức là viên chỉ huy pháo binh của thành này. Ông nổi tiếng là người hay giúp đỡ người Pháp nên chúng tôi nhờ ông mọi chuyện. Ông công khai xưng mình là người đạo công giáo, ông đã được lớn lên trong đạo vì ông gốc

17 Chữ Thổ Nhĩ Kỳ « topigy » là lính pháo thủ, « bachy » là người chỉ huy. « Topigy bachy » là người chỉ huy pháo binh.

Page 9: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

9

Venise18. Ông tự mình ra quan thuế và chỉ khai 100 đồng ê-cu những đồ mà ở Paris đáng giá hơn 400 đồng. Ông khai những đồ vật đó là của ông, thế nên hầu như chúng tôi không phải trả đồng nào. Ông topigy thường cư ngụ gần Damas, trên một phần đất Đại Lãnh Chúa đã ban cho ông để thưởng công trong trận chiến chống vua xứ Ba Tư. Mảnh đất ấy thu hoạch được 4 hay 5 ngàn đồng ê-cu một năm. Ông còn giàu hơn nữa nếu ông sẵn sàng bỏ đạo. Con trai ông tuy còn trẻ, đã được chọn thừa kế chức vụ của ông. Chúng tôi làm quen với ông topigy và tặng ông ít quà nhỏ, hầu sau này các thừa sai có việc phải nhờ ông giúp và nhằm mưu cầu danh Chúa. Ông gửi cho chúng tôi ít đồ giải khát để cám ơn. Tới Babylone, chúng tôi ở tại tu viện các cha Ca-pu-xanh người Pháp, thường có 3 hay 4 cha ở đây. Đó là những thừa sai duy nhất ở trong thành này. Chúng tôi chứng kiến sự kính nể của dân chúng đối với các cha và những thành quả của công việc các ngài. Các cha làm cho người Armênia, người Ja-cô-bít và người Nestôriô trở về với Giáo Hội. Cho tới giờ, các cha đã thành công trong việc này. Các cha đã thu phục được vài linh mục ly giáo và lạc giáo, với khoảng 200 giáo dân đã trở về vâng phục quyền Tòa Thánh. Đó là một trong các thành quả của các ngài. Còn thành quả khác là lo rửa tội cho con cái sắp chết của các người Thổ Nhĩ Kỳ, người ta cho chúng tôi hay có từ 15 tới 20 trẻ mỗi năm. Đúng là các cha có cái lợi lớn nơi công việc này là vì một trong các cha được coi là thầy thuốc giỏi nhất trong thành và hẳn là thầy thuốc có lòng bác ái nhất. Thế nên mỗi khi có vài con trẻ bị đau, người ta liền mời cha này tới hay đưa chúng tới cha. Và khi thấy chúng không sống được, bài thuốc hay nhất của cha cho chúng là rửa tội chúng. Cha được bao phúc lành trong việc này, hiếm có con trẻ nào sống được sau khi chịu phép rửa tội.

18 Venise vào thế kỷ thứ 17 còn là một quốc gia độc lập, nay là một miền của nước Ý, nằm ở phía Đông Bắc.

Page 10: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

10

Theo yêu cầu các cha Ca-pu-xanh, Đức cha Beryte đã ban bí tích thêm sức ngày 13 và 14 cùng tháng cho khoảng 120 người. Ngày 16 chúng tôi đi Bassora. Nhờ ông topigy đích thân đến đưa chúng tôi lên tàu buôn của một người quen của ông, chúng tôi ra đi trên sông Tigre.

Ngày 29, chúng tôi tới Corna là nơi gần chỗ giao lưu giữa sông Euphrate và sông Tigre, điểm giao lưu làm cho con sông Tigre này thật đẹp. Nơi đây, có một sở quan thuế khá lớn và kiểm soát chặt chẽ, sở quan thuế này thuộc quyền quan trấn Bassora. Nhờ một sự sắp xếp quan phòng kỳ diệu của Chúa, chúng tôi thoát khỏi sở quan thuế này, vì các nhân viên quan thuế chỉ mở một thùng sách và một thùng đựng áo lễ, và những thứ không phải chịu thuế. Trưa ngày 30, chúng tôi rời Corna, đến cuối ngày thì vào kênh Bassora. Hôm sau, chúng tôi nhắn tin tới các cha Cát Minh Đi Chân Không người Ý. Một cha lấy thuyền đưa chúng tôi về nhà các cha. Các cha tiếp đón chúng tôi tử tế. Các thừa sai này hữu ích ở Bassora để trợ giúp khoảng 20 người có đạo ở đó, hoặc giúp một vài người nô lệ có đạo trốn khỏi Ba Tư và biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc để tiếp đón các thừa sai, hoặc để giúp các người có đạo tới làm ăn tại cảng này là nơi cập bến của nhiều tàu buôn Bồ Đào Nha, Anh, Hòa Lan hằng năm đi buôn bán tại vùng Đông Ấn (Indes)19. Buổi chiều, quan thuế xem những đồ hiếm quý nhỏ của chúng tôi, họ đánh giá 500 đồng, tương đương với giá ở Paris, và chúng tôi phải trả thuế là 7,5%, tức 37 đồng rưỡi. 19 Chữ tiếng Pháp « Indes » hay « Indes orientales » dùng để chỉ miền Nam và Đông Nam châu Á, nghĩa là gồm các xứ Baloutchistan, Pakistan, Ấn Độ, Népal, Bhoutan, Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka, Maldives, Thái Lan, Malaisia, Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Phi Luật Tân, Brunéi, Singapour, Timor và Indonêsia. Chữ « Indes » (số nhiều) được sử dụng 15 lần trong tập ký sự này mà chúng tôi dịch ra là « Đông Ấn » (miền Đông Ấn, vùng Đông Ấn). (Gọi « Đông Ấn » để phân biệt với « Tây Ấn » (Indes occidentales) là vùng Mỹ châu do Kha Luân Bố khám phá năm 1492).

Page 11: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

11

Thành phố Bassora đúng là một Babylone20 về mặt tôn giáo, có những người Do Thái và những người xưng là Kitô hữu của thánh Gioan Tẩy Giả, họ không có một dấu hiệu Kitô giáo nào khác ngoài dấu thánh giá. Có những người thuộc phái Nestôriô, người Hồi giáo và người ngoại đủ thứ, những người ngoại này công khai giữ đạo của họ. Chúng tôi được mời đi xem một đền thờ của họ. Chúng tôi thấy những người phải lo việc thờ cúng chỉ lại gần ngẫu tượng sau khi trút bỏ quần áo, vì kính trọng, chỉ cuốn trên mình một thắt lưng độ ba tấc chiều rộng. Ngẫu tượng của họ bằng vàng ròng, ngồi trên một chiếc ghế. Xa hơn một chút, ngồi bên cạnh là một tượng phụ nữ mà họ bảo đó là vợ thần. Đền thờ rất sạch sẽ, được trang trí đầy bông hoa, mỗi ngày vị tư tế lo đồ ăn cho tượng. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn hết là trong số những người thờ ngẫu tượng, chúng tôi nhận thấy có một số người có trí phán đoán rất sáng suốt trong đời sống thường.

2. Suy nghĩ về các đức tính của những thừa sai đi Trung Hoa Trước khi nói đến những sự liên quan tới cuộc hành trình này, chúng tôi sẽ nói một lời về những đức tính cần phải có nơi các thừa sai. Chúng tôi rút ra ý kiến này từ sự khốn cùng riêng của chúng tôi, vì chúng tôi buộc lòng phải thú nhận rằng những đức tính của các người như thế đòi hỏi không những một quyết tâm chân thành sống sự hoàn thiện Kitô giáo, nhưng còn phải thực hành điều đó trước khi dấn thân vào những việc cao cả này. Chính vì thế, không được bằng lòng với một người có thiện chí, sốt sắng và đạo đức, nếu chẳng phải là người đã trải qua 10 năm liên tục trong nguyện ngắm thân tình với Chúa và trong

20 « Babylone » ở đây mang nghĩa bóng, biểu tượng quyền lực thế tục và các tôn giáo trần gian (Khải Huyền 17, 5 : « Ba-by-lon vĩ đại, mẹ đẻ ra các gái điếm và các thứ ghê tởm trên trần gian »).

Page 12: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

12

việc phục vụ tha nhân ; bằng không, rất e sợ rằng đời sống nội tâm của các thừa sai ấy sẽ sa sút.

Còn một lý do nữa khiến chúng tôi ao ước đời hoàn thiện nơi những hạng người như trên. Đó là khi chưa ra khỏi tập viện đời đạo đức, người ta chắc chắn sẽ rơi vào những bối rối, nản chí, nghi ngờ ơn gọi của mình, ngạc nhiên thấy không thể tiếp tục những thực hành bình thường của mình nữa. Ở đây, cần phải rời bỏ tất cả mọi con đường riêng của mình, phải sống trong tự do, có một con tim rộng mở và phải tin rằng mình sẽ gặp thấy trên đường đi tất cả những gì cần thiết cho sự hoàn thiện theo bậc sống của mình. Sau nữa, phải thâm tín rằng chính trong việc phó thác như vậy mà ta tôn thờ Thiên Chúa trong tinh thần và trong sự thật.

Tôi nói rằng chính trong tình trạng đó mà ta hành động với một sự tự do tinh thần đích thực. Tự do này hệ tại vào việc ta đặt để tinh thần của ta liên tục trôi theo tinh thần của Thiên Chúa. Thiên Chúa liên lỉ tác động trên tinh thần chúng ta bằng cách bao phủ tinh thần của Ngài trên tinh thần của chúng ta, đến nỗi tinh thần của chúng ta không còn hoạt động bằng sức riêng mình nữa, Thiên Chúa ngự trị hoàn toàn nơi tinh thần của chúng ta rồi. Và người ta có thể nói một linh hồn tan biến như thế thì tiếp tục lễ tế mà Đấng Cứu Thế đã khởi sự lúc nhập thể và sẽ kéo dài trong các tâm hồn trung tín một cách tuyệt diệu cho tới tận thế, bằng việc do chính Người làm trong các linh hồn này. Khi linh hồn được đưa vào trạng thái rất hạnh phúc đó, linh hồn có thể nói mình không sống nữa và mình luôn luôn thực hiện thánh ý Thiên Chúa, theo gương Chúa Giêsu, như đã nói : « Ngài đã không chiều theo sở thích mình » [Rm 15, 3], nhưng luôn làm đẹp lòng Chúa Cha : « Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người » [Ga 8, 29].

Page 13: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

13

Đó là mấy lời về tâm trạng đáng ao ước cho các thừa sai đi Trung Hoa.

Khi ra khỏi nước Pháp với các đức tính kể trên, các thừa sai vẫn còn thiếu nhiều điều nữa để sống hoàn thiện theo địa vị mình. Có những điều mà họ sẽ chẳng học được tại nơi họ sinh trưởng, bởi vì Chúa chúng ta sẽ còn nhiều điều để nói với họ bằng những con đường mà họ sẽ không thể nào theo nổi trong chính quê hương của họ, đúng như lời đã nói : « Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi » [Ga 16, 12].

Nhưng cuối cùng, phải xác tín rằng nếu họ trung thành đón nhận mọi sự quan phòng, hay đúng hơn, tất cả những tác động của Thiên Chúa mà chắc chắn sẽ xảy đến trên đường đi của họ. Với lòng nhân hậu vô bờ bến của Ngài, Thiên Chúa sẽ cho họ khám phá ra những bí ẩn cao siêu của Kitô giáo. Những bí ẩn này được giấu kín nhiều hay ít là tùy theo mức độ mà ta từ bỏ mọi sự và từ bỏ chính con người mình, và tùy theo mức độ chúng ta theo Chúa qua những lời dạy đẹp đẽ và duy nhất vững vàng trong Phúc Âm của Ngài.

3. Ý kiến của các thừa sai từ Pháp cho tới Bassora Phải lấy tàu ở Marseille, thường ở đây mỗi tháng có tàu đi Alexandrette, hoặc đi Tripoli xứ Syria. Mặc dầu có thể đi từ Pháp mùa nào cũng được, nhưng phải chọn mùa thích hợp nhất cho xứ Cận Đông này, nếu không sẽ khó chịu vô cùng vì vùng này rất nóng trong 4 hay 5 tháng một năm. Thời điểm có vẻ thích hợp nhất để rời Marseille là vào tháng 9, tàu phải mất một tháng để tới Alexandrette, rồi từ đó đi Alep. Còn phải đợi ở đây có thể tới một tháng để xem có đoàn nào đi Babylone không. Từ Alep đi Babylone thường phải mất 6 tuần. Phải ở lại Babylone thêm 15 ngày trước khi có dịp lên tàu trên sông Tigre để đi Bassora. Có thể mất khoảng 15 ngày nữa mới

Page 14: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

14

đến nơi. Cứ như vậy, người ta sẽ tới Bassora vào khoảng cuối tháng 1. Từ đó, có nhiều phương tiện đi Congo, cách Commoron 4 ngày đường bộ. Người ta thường hay tới cảng này bằng đường biển mất khoảng 15 đến 16 ngày. Ở cảng Commoron, năm nào cũng có những tàu Bồ Đào Nha, tàu Anh, tàu Hòa Lan và tàu người Hồi giáo đi Surate, từ tháng 10 tới cuối tháng 4 năm sau. Các con tàu phải tới Surate trong tháng 5, vì 4 tháng sau đó tất cả các cảng vùng Đông Ấn đều đóng cửa, tại vì đi trên vùng biển này trong khoảng thời gian đó sẽ có nguy cơ đắm tàu. Ngoài cách đi trên mà các thừa sai thường sẽ phải dùng sau này, còn một cách khác có lẽ tốt hơn nhiều. Đó là lợi dụng dịp ông topigy bachy hằng năm sẽ rời nơi ông đang ở, cách Tripoli xứ Syria một ngày đi bộ, để tới Bagdad đóng trại và thi hành nhiệm vụ chỉ huy pháo binh. Ông chỉ đi mất khoảng 20 ngày để tới đó. Ông khởi hành trễ nhất là ngày 15 tháng 10 mỗi năm và tới nơi vào đầu tháng 11. Nếu đi theo cách này thì tháng 12 có thể tới Bassora, tháng 1 tới Commoron, còn gọi là Ormus hay Bander Abacy. Cuối cùng sẽ tới Surate vào tháng 2 là mùa tốt nhất để lấy tàu đi Trung Hoa. Nếu ai đi kiểu này mà mang theo một thư giới thiệu có đóng ấn, sẽ được ông ấy tiếp đón niềm nở. Dùng cách này sẽ có nhiều lợi điểm, đi an toàn hơn, không cần thông dịch viên, không phải đem theo lương thực, không phải trả tiền thuế hải quan. Chỉ cần biếu ông topigy một món quà nhỏ, chúng ta sẽ được đi theo như người trong đoàn tùy tùng của ông ta. Điều này cũng làm ông hãnh diện hơn khi được coi là bạn của người Pháp và là tôi tớ rất khiêm hạ của nhà vua Pháp. Đi từ Alexandrette tới Alep thì không phải thay đổi y phục. Nhưng đi tới Bagdad thì bộ áo thích hợp và an toàn nhất là bộ áo của người dân quê Thổ Nhĩ Kỳ, giá cũng rất rẻ.

Trong cuộc hành trình, các thừa sai phải tìm một thông dịch viên. Người này sẽ đứng tên hành lý, quần áo, đồ dùng hoặc đồ

Page 15: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

15

vật quý giá của mình. Nhưng để có được một thông dịch viên trung tín và để được người trưởng đoàn kính nể, thì phải dựa vào thế lực của ông lãnh sự Pháp21. Và cũng còn để những người Venise và người Hòa Lan kính nể, việc này cũng rất nên làm.

Sau khi tìm hiểu kỹ những gì các thừa sai cần mang theo trong cuộc hành trình, chúng tôi thấy các thừa sai chỉ nên mang theo hổ phách vàng rực rỡ nhất, san hô to nhất và đỏ thắm nhất22. Không cần phải biến chế trước, bởi vì các thứ đó luôn luôn có giá trị và có thể tránh gần như tất cả các quan thuế, chỉ cần cất trong một túi xách và treo trên lưng ngựa hay trong va li.

Bạc mà các thừa sai cần đem theo phải là đồng tiền bạc Tây Ban Nha được đánh giá bằng một đồng ê-cu, tuy không có giá ở Marseille, Alexandrette, Alep và Bagdad, nhưng có giá ở Bassora, ở đây người ta cân chúng. Nếu nặng, ở Alep và Bagdad được lời 7 hay 8%, còn ở Bassora lời tới 10 hay 12%. Tất cả các đồng tiền Tây Ban Nha đều được đánh giá như vậy, trừ tiền xứ Pêru. Đồng tiền lu-y bạc của chúng ta ở Bassora có thể bán với lãi xuất 10%.

Còn về vàng, sẽ có lời nhiều nếu có đồng tiền vàng xê-kin23 cũ của Venise và đồng tiền của Hun-ga-ri. Ở Lyon, người ta chào bán 6 li-vrơ 3 xôn một đồng xê-kin mà chúng tôi không mua, vì không biết giá của nó bao nhiêu tại đất Thổ Nhĩ Kỳ. Tại

21 « Uy tín của ông lãnh sự Pháp khá lớn giữa các người này là những người đi buôn bán và họ kính nể ông vì tước vị lãnh sự Pháp » (AMEP, vol. 135, p. 322). 22 San hô đỏ (corallium rubrum, corail rouge) được dùng làm đồ trang sức hay mỹ nghệ cao cấp. 23 Đồng « xê-kin » (sequin) là đồng tiền bằng vàng, được thông dụng thời đó tại Venise và vùng Cận Đông.

Page 16: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

16

Alep và Bassora, giá một đồng xê-kin tới 7 li-vrơ hay 7 li-vrơ 10 xôn24. Việc buôn bán tiền bạc rất quan trọng đến nỗi chúng tôi đã thấy có những thừa sai làm việc đó tại những nơi này, nên họ đi từ Âu châu tới Bassora không tốn tiền mà còn có lời nữa. Nhưng người ta khó biết được lợi nhuận đó, trừ phi đã ở trong xứ này. Theo lời người ta khuyên, chúng tôi đã đem theo đồng tiền pitx-tôn25 Tây Ban Nha mà chúng tôi đã mất 10 xôn mỗi đồng tại Alep và Bassora.

Cách di chuyển mà các thừa sai phải sử dụng là cưỡi lạc đà từ Alep tới Bagdad. Họ phải nhờ người thông dịch viên hay người dắt lạc đà kiếm cho cái lều thường hay cái chòi vải. Các thừa sai có thể mua ở Marseille vài khí giới cho người trong đoàn nể sợ. Ngoài ra, để được an ủi, các thừa sai có thể đọc kinh phụng vụ mỗi ngày và tự do cầu nguyện. Người Thổ Nhĩ Kỳ không coi đó là việc xấu. Trái lại, những người ngoại lại như nhắc nhở chúng ta cầu nguyện, khi họ cầu nguyện mỗi ngày theo kiểu của họ, không chút ngượng ngùng, dù bên ngoài xem ra khiêm hạ hơn cách của chúng ta.

4. Các thừa sai tiếp tục đi từ Bassora tới Hispaham Đã quá mùa để đi Surate bằng đường biển. Hay nói đúng hơn là Đấng Quan Phòng đã dẫn dắt các thừa sai cách nhãn tiền, khiến họ quyết định đi Hispaham để đợi ở đó cho tới tháng 9 hay tháng 10 là thời gian thuận tiện đi Ormus, và từ đó lấy tàu đi Surate, hoặc tìm cách đi Trung Hoa bằng đường bộ.

24 Đồng « li-vrơ » (livre) là đồng tiền bằng bạc. Một li-vrơ là 20 xôn (sol) hay xu (sou), một xôn là 12 đơ-ni-ê (denier). 25 Đồng pitx-tôn (pistole) bằng vàng, tương đương đồng lu-y vàng.

Page 17: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

17

Để thực hiện dự tính đó, các thừa sai rời Bassora ngày 22 tháng 4, đi Banderrie là một cảng của Ba Tư trên bờ biển Persique cách Bassora 300 hải lý. Ngày 27 tháng 4 họ tới Banderrie.26

Ngày 30 tháng 4, họ rời Banderrie đi Schiras theo sự hướng dẫn của một người dắt la. Con đường núi non đầy hiểm trở. Luôn luôn đi ban đêm và nghỉ ban ngày. Cứ như thế, lấy ngày làm đêm, sẽ rất khó chịu cho ai không quen, nhất là không thể ngủ ban ngày do quá nóng bức, còn ban đêm lại phải ráng mà thức.

Sau 5 ngày đường, đúng hơn là 5 đêm, họ tới Calseron27, một thị trấn nhỏ của Ba Tư. Ngày xưa thị trấn có vẻ rất lớn tên là Césarée. Khí hậu ở đây ôn hoà hơn ở Bassora và Banderrie một chút, nên người ta bắt đầu dễ thở và không còn lo sợ nạn phá hoại và trộm cắp như trong xứ người Thổ Nhĩ Kỳ. Người Tây ở trong xứ Ba Tư thì rất an toàn và tự do.

Ngày 10 tháng 5, họ rời Calseron đi Schiras, tới nơi ngày 14 lúc nửa đêm. Họ ở nhà các cha dòng Cát Minh Đi Chân Không. Cha bề trên là người Pháp thuộc giáo phận Limoges, ngài đón tiếp họ rất tử tế.

Khi tạm trú ở đấy, trong các cuộc trao đổi với các cha, họ được biết điều mà họ đã nhận thấy trong phần đất người Thổ Nhĩ Kỳ, đó là không thể làm gì được để phát triển đạo Chúa nơi những người sùng đạo kinh Coran. Những người theo đạo này có lòng tin mạnh mẽ hơn phần lớn chúng ta khi sống niềm tin của mình. Nhưng không phải là không cần có thừa sai tới đây, vì vẫn hy vọng ngày Thiên Chúa soi sáng cho những người ngoại đạo đáng thương này. Tại thành phố Schiras có 2 gia đình theo

26 Nay viết là Bandar-e Rig (hay Bandar Rig), hải cảng trong vịnh Ba Tư, thuộc tỉnh Bouchehr (Iran), cách Bassora 300 cây số và cách Chiraz 200 cây số đường chim bay. 27 Nay viết là Kazerun, Kazeroon, hay Kazrun, nằm giữa Bandar Rig và Chiraz.

Page 18: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

18

đạo công giáo Rôma, gồm khoảng 12 tới 15 người. Họ giữ đạo tốt. Các thừa sai đi thăm họ. Ngoài việc trợ giúp cho đoàn chiên bé nhỏ này, các cha còn giúp những người Âu châu có đạo đi qua Schiras đến Ormus và miền Đông Ấn để buôn bán, họ được tự do giữ đạo như trong một đất nước có đạo vậy. Schiras là một trong những thành phố đẹp nhất của Ba Tư, và ai cũng phải công nhận đây là nơi có nhiều nhà thông thái hơn tất cả những nơi khác của Ba Tư. Nơi đây có trường triết học, luân lý, y khoa, toán học và thần học theo kiểu của họ.

5. Suy tư về việc có thể làm gì cho đạo được phát triển ở Ba Tư Theo nhận xét chung của tất cả các thừa sai đã sinh sống ở xứ này, cho đến nay không có chút hy vọng nào nơi những người theo đạo kinh Coran. Tất cả việc có thể làm được để phát triển đạo Chúa là dàn xếp cho các tín hữu ly giáo và lạc giáo trở về với Tòa Thánh.

Khi trao đổi cách rất khiêm tốn với các thừa sai, người ta thấy rằng việc trở về với Rôma của vị Thượng Phụ người Nestôriô là như chắc chắn rồi. Ngài ấy ở cách Tauris 5 hay 6 ngày đường, nghĩa là đi từ Hispaham đến đó thì mất một tháng. Chỉ cần có một hoặc hai tu sĩ ở với cha Gabriel, dòng Ca-pu-xanh người Pháp, vì ở đây cha đã được Chúa dùng làm những việc lạ lùng nơi các dân này. Thượng Phụ hoàn toàn tin tưởng cha và sẵn sàng chính ngài đi Rôma để tỏ lòng thần phục Tòa Thánh. Để đạt kết quả thì việc này không tốn kém bao nhiêu, chỉ cần 200 đồng ê-cu mỗi năm cho công việc truyền giáo tốt đẹp này. Có khoảng 40 làng thuộc quyền Thượng Phụ, họ là một dân rất đông đảo.

Bây giờ chúng tôi mới kể ra một cuộc chinh phục khác nữa xảy ra trong xứ Thổ Nhĩ Kỳ, cách Moussoul một ngày đường. Moussoul là thành Ninivê xưa. Chuyện liên quan tới các người

Page 19: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

19

theo phái Nestôriô cư trú ở đây. Họ có cùng một niềm tin và rất đoàn kết với nhau. Vị Thượng Phụ ở Moussoul cũng như vị Thượng Phụ người Nestôriô trên, có cùng một tinh thần muốn tùng phục Đức Giáo Hoàng. Đó là tin chúng tôi nghe được từ nhiều nơi. Thượng Phụ này đã nhiều lần ngỏ ý với các cha Ca-pu-xanh người Pháp ở Bagdad. Đó là tất cả những điều tốt lành mà chúng tôi nhận thấy có thể làm được vào lúc này ở Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây không phải là chuyện nhỏ, vì việc các dân này trở về đoàn tụ với Giáo Hội Rôma sẽ khởi động phong trào hợp nhất của các người ly giáo, cách riêng người Armênia rất đông trong hai xứ này.

6. Các thừa sai tông tòa ở Hispaham, thủ đô Ba Tư, và việc dừng chân nơi đây Các thừa sai khởi hành tại Schiras lúc 1 giờ sáng ngày 30 tháng 5, cũng luôn đi ban đêm như họ đã quen làm từ Banderrie. Họ tới Hispaham ngày 12 tháng 6 trước lúc mặt trời mọc. Họ xuống một quán trọ là nơi nghỉ cho đoàn lữ khách, và đợi cha tổng đại diện là bề trên dòng Âu Tinh Bồ Đào Nha trả lời, xem có đồng ý cho họ ở tạm tại nhà của vị giám mục Babylone28 không, để các tu sĩ người Pháp khỏi so bì. Và cha bề trên trả lời sẵn sàng cho phép. Các thừa sai dành 5 hay 6 ngày đầu để tiếp khách hay đến chào hỏi các tu sĩ, những người Pháp ở Hispaham, ông nhân viên

28 Giám mục Babylone lúc này là Đức cha Jean Duval (1597-1669). Ngày 12/06/1661, khi các thừa sai Pháp đặt chân tới Hispaham, Đức cha Jean Duval đang sống tại Paris. Trước đó, ngài chỉ đến sống tại Hispaham 20 tháng, rồi trở về Pháp (năm 1642) và không bao giờ quay lại giáo phận Babylone của ngài nữa.

Page 20: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

20

người Anh và những người của Công ty Đông Ấn Hòa Lan29. Sau đó, các thừa sai lui về sống trong cô tịch. Khi có giờ gặp lại nhau, việc đầu tiên họ đem ra bàn là làm sao tiếp tục cuộc hành trình sớm nhất có thể. Để đạt mục đích đó, họ nói chuyện hỏi thăm các du khách có tuổi và giàu kinh nghiệm nhất mà họ gặp được. Các người đó cho biết đường bộ từ đây đi Trung Hoa khó khăn thật, nhưng không phải là không đi được. Vì họ hết lòng ao ước cho Chúa Giêsu Kitô thấy thiện chí của họ và lòng họ trông cậy vào ơn phù trợ đặc biệt của Chúa, họ sẽ đi đường bộ qua Candahar, Agra, Patna, Niepal, Bontan, v.v. Tuy nhiên, sau một tháng ở đây, khi họ chuẩn bị lên đường thì nhận ra rằng Thiên Chúa chỉ vui nhận sự vâng phục của họ. Họ nhận thấy lúc này không thể thực hiện được dự tính trên, do một chuyện bất ngờ là cuộc xâm lăng của 25 hay 30 ngàn quân Hung Nô từ Iusbec30 bên Ba Tư tới, chúng đang đóng quân trên quãng đường mà họ sẽ phải đi qua.31

Các thừa sai tạ ơn Chúa về mọi sự và theo lời khuyên của bạn bè, cách riêng của 2 hay 3 người Pháp từ tận cùng miền Đông Ấn trở lại, họ là những người có nhiều kinh nghiệm về các xứ mà các thừa sai sẽ tới. Các thừa sai quyết định tháp tùng ông nhân viên người Anh. Ông này dự tính tháng 9 tới sẽ đi Commoron và từ đó đi Surate. Đây là dịp rất thuận lợi, vì đi cùng ông nhân viên Anh quốc, họ không phải trả thuế qua đường cũng như thuế hải quan khi vào Commoron, mức thuế

29 Tên gọi tiếng Pháp trong ký sự này là « La Compagnie des Indes d’Hollande », được dịch đầy đủ là « Công Ty Đông Ấn Hòa Lan » (4 lần trong ký sự). Công ty được thành lập năm 1602. 30 Ouzbékistan. 31 Tại Trung Hoa, năm 1644, quân Hung Nô tiến chiếm Bắc Kinh, lật đổ triều đại nhà Minh và lập triều đại nhà Thanh. Triều đại mới kéo dài tới năm 1911.

Page 21: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

21

nếu phải đóng có thể lên tới 10%. Hơn nữa, lại có thể lên tàu người Anh đi Surate cách dễ dàng. Vì quyết định như vậy, các thừa sai đã ở lại Hispaham 3 tháng rưỡi, có thời gian trao đổi với các thừa sai nơi đây về sứ vụ tông tòa32. Họ còn hỏi cặn kẽ cách thức làm sao để giảm bớt khó khăn cho các thừa sai sẽ đến đây và cần phải đề phòng những gì.

Về điểm thứ nhất, chúng ta không nên đề cập quá chi tiết tới việc truyền giáo ở Hispaham, vì sẽ làm phật lòng nhiều tu sĩ tốt lành ở đây mà những quan điểm của họ không hoàn toàn phù hợp với đời sống tông đồ. Vả lại, không thể làm mà không cải chính những bài tường thuật đã thực hiện và được viết ra về chuyện đó. Nên biết rằng các cha này đã cho là đạo Chúa không thể phát triển nếu không có nhiều phương tiện của con người, hay sự giúp đỡ của các thế lực trần gian. Các cha không có bề trên nào khác ngoài bề trên trong dòng mình. Và vì không đồng nhất trong giáo huấn, các cha này thì cho phép điều mà các cha kia cấm. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng có 4 nhà dòng trong thành phố này thì 3 nhà là dư thừa. Chỉ cần giữ lại 1 để an ủi 8 hay 9 gia đình theo đạo công giáo Rôma mà gần như tất cả họ đều sống ở Jalfa, một khu phố lớn hay đúng hơn là một thành phố cách Hispaham một dặm, gồm 25 hay 30 ngàn người Armênia.

Việc hướng dẫn những người sẽ đi truyền giáo là mục đích chính của ký sự này. Họ nên biết rằng ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ là

32 Chữ « apostolique » có vẻ quan trọng trong tập ký sự này. Do vậy, chúng tôi dịch chữ « missionnaires apostoliques » thành « các thừa sai tông tòa » (4 lần) và chữ « missions apostoliques » thành « các sứ vụ tông tòa » (3 lần). (« Tông tòa » là do chính Tòa Thánh sai đi hay điều khiển, khác với các thừa sai và việc truyền giáo do triều đình Bồ Đào Nha trách nhiệm). Ngoài ra, còn có 2 chữ quen thuộc là « vie apostolique » (đời sống tông đồ) (2 lần) và « religion catholique, apostolique » (đạo công giáo, tông truyền) (1 lần).

Page 22: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

22

thoát khỏi tình trạng bị giam cầm. Khi vào Ba Tư, người ta có thể ăn mặc theo kiểu người Pháp. Mũ nón giúp họ chống nắng nóng rất hiệu quả. Còn phải nhớ nguyên tắc này là nên đi vào lúc tảng sáng, ăn uống điều độ và không nên đi bộ, nếu không thì sẽ không sống được. Người ta còn phải hết sức cảnh giác với những thông dịch viên của mình và các đầy tớ ở xứ này. Thường tất cả họ đều là quân trộm cắp, chúng mua đồ thì chi ít tính nhiều, hơn một nửa hay một phần ba. Để tránh chuyện đó, tốt nhất là tới ở nơi các tu sĩ thừa sai và khi ra đi, nhờ các tu sĩ mua lương thực cần cho đường đi. Không nên mang vàng sang Ba Tư để đổi chút nào, vì giá vàng ở đây thấp. Mỗi đồng pitx-tôn Tây Ban Nha, chúng tôi đã mất 23 xôn và 6 đờ-ni-ê. Sẽ mất ít hơn với đồng xê-kin, ít ra là với đồng xê-kin của Venise. Nhưng luôn luôn có lợi hơn nếu đổi vàng ở Bassora lấy tiền Ba Tư. Cũng có một chút lời nếu muốn dùng tiền đi đường của mình bằng san hô đỏ hay hổ phách vàng. Người ta cũng có thể đem theo một tá đồng hồ đeo tay, giá bên này cũng tương đương như giá bên Pháp.

7. Các thừa sai rời Hispaham Theo như quyết định là sẽ đi Commoron, Surate, Masulpatam, Tenasserim, v.v., các thừa sai đã rời Hispaham lên đường ngày 26 tháng 9 với ông nhân viên người Anh. Họ tới Schiras33 ngày 8 tháng 10, ở lại đây 4 ngày, rồi tiếp tục đi đến Lare ngày 22. Sau một ngày nghỉ chân, họ lên đường đi Commoron, tới nơi ngày 30 tháng 10. Như vậy, hành trình của họ đã mất 35 ngày, gồm 30 ngày đi và 5 ngày nghỉ.

Ông nhân viên người Anh mời các thừa sai tới cư ngụ tại nhà của Công ty Anh34. Họ đã lưu trú tại đó suốt thời gian ở 33 Đây là lần thứ 2 các thừa sai Pháp tới Schiras, lần trước là ngày 14 tháng 5, lần này là ngày 8 tháng 10. 34 Công ty Đông Ấn Anh quốc được thành lập năm 1600.

Page 23: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

23

Commoron. Họ được tiếp đãi tử tế và hoàn toàn tự do, ngay cả việc được phép dâng lễ mỗi ngày. Ông nhân viên cũng cho phép 2 gia đình có đạo ở đó tới dự các ngày lễ. Các thừa sai được an ủi vì đã dạy đạo cho một tân tòng 14 hay 15 tuổi và rửa tội cho em trước khi rời nơi đó.

Tới Hispaham ngày 12.6.1661

Commoron bất hạnh này đầy người Do Thái và người ngoại gọi là « Ba Nha » [Bà La Môn]35. Những người ngoại này giữ một đời sống rất nhiệm nhặt khắc khổ. Họ không bao giờ ăn thịt và không thể chịu được người ta giết súc vật, cách riêng là con bò. Và để người ta đừng sát sinh tại nhà người Anh hay 35 Đức cha Lambert gọi Commoron là nơi « bất hạnh », vì đầy người Do Thái và người ngoại là những người không biết tới Chúa Giêsu Kitô. Tại đây, chỉ có 2 gia đình công giáo.

Page 24: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

24

người Hòa Lan, họ dùng mọi cách, từ nài xin các chủ nhà tới cho tiền các gia nhân. Các thừa sai đã hết sức muốn rời khỏi Commoron là một nơi không khí độc hại đến độ người ta gọi nơi đây là mồ chôn người Tây. Những mãi đến ngày 29 tháng 11 họ mới có thể lên tàu và ngày 1 tháng 12 giương buồm ra khơi. Khoảng thời gian thuận lợi để đến Commoron và từ đó lên tàu đi Surate là từ tháng 11 đến đầu tháng 3. Như vậy, theo chúng tôi biết, nếu bị một ngăn trở nào đó mà các thừa sai không có mặt ở Bassora vào tháng 10 để đi tàu Anh tới Surate, họ vẫn còn có cơ hội khác. Vì có nhiều tàu bè của người Ả Rập và người ngoại giáo từ Bassora đi Commoron và luôn luôn có tàu đi Banderrie và Congo. Từ 2 bến tàu Banderrie và Congo, luôn luôn có dịp để đi Commoron. Đúng là con đường này thì không tiện và không an toàn như con đường của người Anh, mọi người cũng khuyên các thừa sai là không nên đi. Thế nhưng, vì đã có kinh nghiệm đi biển cùng những người đó, nên các thừa sai cho là có thể dùng đường này, nếu không thể đi các con đường khác.

Các chi phí đi đường tại Ba Tư không tốn lắm. Vận chuyển khoảng 275 kilô36 từ Hispaham tới Commoron chỉ mất 10 đồng rưỡi, mà không phải trả tiền ăn, tiền thuê la hay người dắt la. Một người đi la thồ hay trên con la đã chất nửa kiện hàng đều được tính là 85 kilô37. Nếu muốn có riêng một con la cho mình với một cái yên, thì người ta tính chừng 190 kilô nghĩa là gần 7 đồng38. Còn tiền ăn uống cũng rất rẻ vì thức ăn chỉ có cơm thôi.

36 Nguyên câu văn là : « le port de 100 mains qui sont environ 550 livres de notre poids de France » (« vận chuyển 100 « mains » tức khoảng 550 cân li-vrơ của chúng ta bên Pháp »). 37 « 31 mains ». 38 Chúng tôi đã tính như sau : 1 « main » = 5,5 cân li-vrơ, và 1 cân li-vrơ = 0,5 kilô.

Page 25: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

25

Đôi khi có thêm chút rau, thỉnh thoảng mới có vài miếng thịt gà, thịt vịt, thịt dê hay thịt trừu. Từ Commoron tới Surate, phải đóng 15 đồng ê-cu tiền đi đường cho mỗi đầu người. Ngoài ra, theo phong tục nơi đây, giá cả chỗ trong tàu còn tùy từng địa phương. Các thừa sai đã trả cho chủ tàu 60 đồng gồm tiền đi tàu cho nhóm 4 người của họ và 21 đồng tiền chỗ trong tàu. Những ai đi sau này thì phải nhớ thương lượng với chủ tàu tiền đi tàu, tiền chỗ và vị trí chỗ của mình trước khi lên tàu.

Nhờ Chúa chúc lành cho chuyến đi, ngày 28 tháng 12, các thừa sai tới cảng Soually, cách Surate 4 hay 5 dặm. Khi tàu vừa cập bến, một thừa sai liền đi gặp cha Ambroise de Preuilly, tu sĩ Ca-pu-xanh tỉnh dòng Tourraine, để nhờ cha can thiệp cho dễ dàng qua hải quan Surate, đây là hải quan khó khăn nhất. Người ta lục xét rất kỹ từng người một, đánh thuế 4% vàng mang theo dưới dạng khối hay đồng tiền, 2% nếu là bạc và 4% những thứ mà họ coi là có giá trị do chính họ tùy tiện định giá. Ngoài ra, nếu có vật gì lạ thì cũng khó mà thoát khỏi tay họ. Họ lấy tất cả hay một phần, hoặc mua lại với giá họ ấn định.

Cha Ambroise de Preuilly là một người đầy nhiệt thành và bác ái. Ngay khi được biết chúng tôi là ai và đặc biệt tới đây để làm gì, cha đã tới gặp các thừa sai. Nhờ uy tín rất lớn của cha do đời sống thánh thiện, chúng tôi đã qua được ải này mà không phải tốn kém bao nhiêu. Hơn nữa, cha còn có lòng bác ái đến độ cho chúng tôi ở trọ nhà các cha. Nơi đây, chúng tôi gặp cha Gilles de Bourges, bạn của cha Ambroise. Cha Gilles đã sốt ruột trông chờ các thừa sai Pháp. Chỉ cần nói chuyện với các cha là nhận thấy các cha là người đầy ơn Chúa và nhân đức. Sau này, sự thánh thiện của các cha càng tỏ hiện rõ ràng khi xem các cha lo việc truyền giáo. Cha Ambroise giảng các ngày lễ và mỗi chúa nhật bằng tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Ba Tư trong nhà thờ của các cha. Nơi đây các cha ban bí tích cho con chiên bổn đạo, giảng dạy cách tuyệt vời về Thiên Chúa và về

Page 26: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

26

ơn gọi của họ. Các cha chỉ lo công việc của mình và nhất là tuân giữ các lời giảng dạy của Phúc Âm và không giảm bớt những đòi hỏi thánh thiện của Tin Mừng.

Khi ở Surate, các thừa sai không thể từ chối lời khẩn nài của các cha là xin Đức cha Beryte làm phép dầu, ban phép thêm sức cho khoảng 40 người và rửa tội cho 3 tân tòng. Các tân tòng này là 2 em từ 9 đến 10 tuổi và em thứ ba khoảng 14 tuổi, cả ba đều thuộc gia đình ngoại. Chính trong thời gian ở Surate, các thừa sai được tin từ Goa về lệnh đã được đưa ra từ hồi tháng 6 là phải bắt giữ các giám mục người Pháp sẽ đi qua các lãnh thổ thuộc vương quyền Bồ Đào Nha. Đồng thời phải sớm tìm cơ hội giải nộp các ngài về Lisbonne. Tin đó không hề tác động đến tinh thần các thừa sai, vì họ đã phó thác trong tay Chúa Quan Phòng. Thiên Chúa luôn dẫn dắt các thừa sai, nếu họ trung thành để Ngài lôi cuốn bằng những đường lối có lợi nhất cho họ. Hơn nữa, họ cũng đã quyết tâm đi đường bộ từ Surate đến Masulpatam.

Các thừa sai cần đổi vàng, họ thấy giá cả ở đây khác với Ba Tư. Ở Ba Tư đổi mỗi đồng pitx-tôn Tây Ban Nha thì thiệt mất 23 xôn và 6 đờ-ni-ê. Còn ở đây thay vì lỗ, họ lại lời 3 xôn mỗi đồng. Kinh nghiệm này đã giúp họ không phải chịu thiệt về vàng ở Surate hay ở mọi nơi bên miền Đông Ấn. Vì vậy, nên sử dụng bạc trong các xứ Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Tư, vì ở đây bạc lại có giá hơn vàng. Còn vàng thì nên để dành sử dụng khi đến miền Đông Ấn.

Cũng rất nên cho biết thông tin này nữa là mỗi năm có nhiều tàu đi thẳng từ Anh tới Surate, mất 6 hay 7 tháng. Trong đó có một số tàu của tư nhân thương gia người Anh, họ có thể cho đi theo những ai họ muốn. Các tàu khác thuộc Công ty Luân Đôn, chỉ cần một giấy giới thiệu của nhà vua hay hoàng hậu Anh là Công ty sẵn sàng cho đi theo. Trong chuyện làm ăn buôn bán, Anh quốc không có thái độ quá nghiêm ngặt như Công ty Đông Ấn của Hòa Lan.

Page 27: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

27

8. Tiếp tục cuộc hành trình từ Surate tới Masulpatam bằng đường bộ Các thừa sai được biết khi tháng 5 tới thì không nên tính chuyện đi lại nơi miền Đông Ấn nữa, cả đường bộ lẫn đường biển, vì những trận mưa lũ sẽ làm tê liệt đường giao thông từ 3 đến 4 tháng. Vì vậy, một khi tới Surate, họ chỉ mong làm sao sớm rời khỏi nơi đó. Họ gấp rút tổ chức chuyến đi và lên đường ngày 25 tháng 1 năm 1662, ngày lễ thánh Phaolô Trở Lại, hướng về Doltabat băng qua Noringabat, Beder và Golconde. Họ tới Masulpatam ngày 6 tháng 3, là ngày thứ 42 từ khi khởi hành, sau 40 ngày đi đường. Vì sợ lỡ chuyến tàu đi Tenasserim, họ đã phải hối hả đi gấp nên tới nơi sớm hơn dự định, vì theo giấy làm ở Surate với những người đánh xe bò, cuộc hành trình của các thừa sai phải kéo dài tới 45 ngày. Xe mà các thừa sai thuê để đi đường là loại xe thường dùng bên miền Đông Ấn, là xe có 2 con bò kéo. Các thừa sai thuê 4 xe chở nhóm 5 người của họ, gồm 3 thừa sai và 2 người giúp việc cùng hành lý. Mỗi xe phải trả 30 đồng. Ngoài ra, phải trả thêm 7 đồng rưỡi phờ-răng39 mỗi xe để mua vé, tiền đường và giấy thông hành đi từ nơi này tới nơi khác. Các thừa sai đừng quên làm hợp đồng với những người đánh xe bò ở Surate về những điều kiện chuyên chở, nên yêu cầu họ lấy vé và giấy thông hành cần thiết đồng thời phải thanh toán hết các khoản thuế trên đường. Theo tục lệ trong xứ, họ được phép lấy 6 người đi hộ tống và nhất là để canh xe ban đêm, gọi là những người bảo vệ. Các người này như tất cả những người giúp việc bên miền Đông Ấn, thuê rất rẻ, chỉ phải trả 13 đồng rưỡi cho một tháng, cả tiền ăn lẫn tiền công. Theo kinh nghiệm cho thấy, an ninh đường bộ bên Đông Ấn thì không đâu tốt bằng, vì thế các thừa sai nghĩ chỉ cần thuê 2 hay 3 người giúp việc ở Surate là đủ, nhờ các cha Ca-pu-xanh hay 39 Đồng phờ-răng (le franc) là đồng tiền bằng bạc ngày xưa tại Pháp.

Page 28: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

28

một người nào quen biết giới thiệu. Theo tục lệ nơi đây, chỉ cần trả cho họ 7 li-vrơ và 10 xôn mỗi tháng, trong suốt thời gian mình cần. Như vậy lợi hơn là thuê những người bảo vệ, vì người bảo vệ chỉ có nhiệm vụ đi với mình và giữ xe ban đêm, không thể sai họ làm việc khác như người giúp việc cho mình. Những người đánh xe phải tự lo việc ăn uống và cho bò ăn. Còn chi phí về ăn uống cho mình thì không tốn bao nhiêu, vì chỉ có cơm, một ít rau, lâu lâu mới có thịt gà thịt vịt và vài miếng thịt dê mà giá rất rẻ. Thức uống thì chỉ có nước thôi. Người ta có thể tính tổng chi phí trong 41 ngày cho các thừa sai và 2 người giúp việc của họ là khoảng 18 đồng ê-cu.

Các thừa sai thấy giá vàng ở Golconde và Masulpatam cao hơn ở Surate. Mỗi đồng pitx-tôn được thêm 12 xôn. Họ cũng thấy các đồng lu-y vàng của Pháp rất có giá, nhất là đồng xê-kin cũ của Venise.

Nhiều người còn khuyên các thừa sai đưa tiền cho các lái buôn, những người này sẽ hoàn lại cho mình khi tới Tenasserim hay Xiêm với lãi xuất 35%, cũng bằng loại tiền ấy hay loại tiền ngang giá. Nếu không làm như vậy thì sẽ bị thiệt 25%, vì theo họ, tiền ở Xiêm thấp giá hơn ở Masulpatam. Mọi người đều làm như vậy, cả cha đại diện tại đó cũng khuyên các thừa sai như thế, vì ngài cho biết mọi tu sĩ đến đây đều làm như vậy cả. Tuy nhiên vì tiền lời đó không do người nhận tiền làm ra, nhưng nhờ những hàng hóa mua ở Masulpatam rồi đem bán bên Xiêm được lời rất cao, các thừa sai cho là mình không thể làm được. Các ngài thích giữ tiền hơn là cho mượn lấy lời và tránh bị mất mát theo cách thức trên. Lý do là các ngài không phải là người đi buôn và cũng không thể trở thành người đi buôn, nên các ngài đã không làm được việc đó. Vì luôn luôn phải tuân giữ những lời khuyên Phúc Âm về tôn chỉ và cách sống của mình, họ không cho phép mình làm một việc mà nếu có thể được dung thứ cho phép làm, việc đó cũng không thể là sự trọn lành Kitô giáo nơi các thừa sai tông tòa được.

Page 29: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

29

Buôn bán và cho vay nặng lãi là hai tảng đá gây vấp ngã cho các dòng tu nổi tiếng nhất tại vùng Cận Đông và Đông Ấn. Việc làm này trái nghịch và chống lại tinh thần truyền giáo, đến nỗi người ta có thể nói đó đúng là những trở ngại lớn nhất có thể gặp phải trong đời tông đồ. Kinh nghiệm cho thấy điều đó qua những tai họa do việc buôn bán và cho vay nặng lãi gây nên. Hẳn là vì không làm những điều xấu xa đó mà việc truyền giáo của các cha dòng Ca-pu-xanh Pháp luôn được Chúa chúc lành đặc biệt, vượt lên trên những tu sĩ khác trong các xứ lớn của Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Ấn. Khi các thừa sai tới Masulpatam, họ đã gửi ngay một người tới Madraspatan là đồn lũy của người Anh, cách thị trấn Saint-Thomas hay Maliapour nửa dặm, gặp 2 tu sĩ Ca-pu-xanh người Pháp là cha Ephrem và cha Zenon, thuộc tỉnh dòng Tourraine, để cùng chia vui với các cha về phúc lành Chúa đã ban xuống trên công việc của các cha. Nhờ sự thánh thiện, sự nghèo khó và gương sáng của họ, nhất là vì họ chỉ lo những gì thuộc nhiệm vụ của họ, các tu sĩ này được tôn kính chung nơi người theo Hồi giáo, người lạc đạo, người ngoại và người có đạo. Vì lễ Phục Sinh gần tới, các cha không thể bỏ đàn chiên cả 1.000 hay 1.200 người để tới Masulpatam cách xa 12 ngày đường. Mặt khác, các thừa sai lại gần đến ngày lên đường nên cũng không thể tới thăm hai người thợ xuất chúng của Tin Mừng như họ vô cùng ao ước. Từ Surate đến Masulpatam, các thừa sai không ngớt than van vì thấy trên đường đi đầy tràn những tượng thần mà dân chúng cúng bái, hầu hết dân chúng tôn thờ ngẫu tượng. Thật ngạc nhiên trước sự mù quáng của những linh hồn đáng thương hại này, trước sự khắc khổ của họ, sự đơn sơ, mê tín dị đoan và niềm tin luôn cho là mình đi đúng đường. Giữa họ, ngay trong thành, có những tu sĩ sống dưới quyền của một bề trên, lo chiêm niệm và chỉ ăn mỗi ngày một bữa với chút cơm và rau. Cũng có những người khác làm các việc đền tội công khai lạ lùng như lấy tro phủ lên người, lên tóc, lên râu, để móng tay

Page 30: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

30

dài 3 hay 4 đốt và luôn luôn giữ một cánh tay thẳng lên trời. Người khác thì 2 tay luôn xếp thành chữ thập, hay giơ lên trời, và sau này họ không thể sử dụng được tay chân của mình nữa nên cũng không thể đứng ngồi được như người thường. Do vậy, người khác vì bác ái phải đút cho họ ăn uống như cho trẻ con, nếu không họ sẽ chết, không tránh được. Phải thú thật là nghe thuật lại và thấy tận mắt những chuyện này làm người ta cảm động, nhưng cái làm cho các nhà thừa sai đau buồn hơn là ở đây, được hoàn toàn tự do rao giảng đức tin của chúng ta. Nhà thờ ở Masulpatam được mở cửa như ở bên Âu châu. Tại vùng Đông Ấn cũng vậy, nơi có những cơ sở truyền giáo đã thiết lập. Nhưng ôi Chúa nhân lành, Chúa không có một thừa tác viên nào rao giảng bằng lời hay bằng gương sáng. Trái lại, xét những châm ngôn và lối sống của họ, người ta thấy họ củng cố những người Hồi giáo và người ngoại trong những sai lầm và việc thờ cúng nguỵ thần của họ hơn là kéo họ ra khỏi. Tuy nhiên, sẽ không có thuốc chữa, bao lâu người ta còn dùng các thừa sai trong vùng này, hay những thừa sai sẽ mắc các thói quen xấu này. Tình hình suy đồi đến nỗi một người có thiện chí muốn sửa lại các thói hư và tật xấu gặp thấy trong hàng giáo sĩ và trong các dòng tu, sẽ bị coi là kẻ thù chung và bị lên án như vậy. Nếu có thể nói ra tất cả những gì người ta biết tại xứ này, như tình hình đạo ở Goa và các vùng đất khác thuộc Bồ Đào Nha, người ta sẽ thấy rằng giáo sĩ thì dốt nát và truỵ lạc, các tu sĩ thì không còn giữ hiến chương của hội dòng nữa, các thói quen xấu người ta đã đưa vào làm cho họ được miễn khỏi vâng lời các bề trên. Về khó nghèo thì hầu hết các dòng tu đều buôn bán và cho vay nặng lãi. Có những cá nhân tu sĩ có riêng 10, 20, 30, 40 đến 50 ngàn đồng ê-cu. Còn về khiết tịnh, có nhiều vấp phạm nơi số đông tu sĩ đến nỗi một người lương thiện có gia đình, không dám để cho các tu sĩ năng ra vào nhà mình, sợ mang tiếng. Đó hẳn là nguyên nhân của tất cả những xáo trộn ghê gớm. Bàn thờ này chống bàn thờ kia và trong các cuộc

Page 31: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

31

rước kiệu công khai và trọng thể, người ta thấy các giáo sĩ và tu sĩ giấu những dao găm và súng đạn dưới tu phục mình, đôi khi họ dùng để tàn sát lẫn nhau.

Các thừa sai Pháp biết rằng mọi hỗn loạn bê bối bên Đông Ấn và có ít tiến bộ từ khi Kitô giáo được thiết lập, chỉ do lỗi các thừa sai đã đưa ra những nguyên tắc lỏng lẻo mà chính họ đã theo. Các nguyên tắc đó ngày càng thêm lỏng lẻo làm thành một thứ luật sai trái, đến nỗi ngày nay, không thể bãi bỏ được nữa. Do vậy, các thừa sai Pháp thấy có bổn phận gợi ý cho tất cả các thừa sai phải luôn luôn theo giáo lý tinh tuyền của Chúa Giêsu Kitô, trong quy tắc, đời sống và cách ăn ở của mình. Nếu không, họ sẽ không thể đi đúng đường trong ơn gọi thiêng liêng của mình và cũng không thể đi xa trong việc làm cho người ta trở lại. Đúng là những gì đã làm cho các công cuộc truyền giáo không sinh hoa trái là các bề trên các dòng chỉ quan tâm tới việc các tu sĩ họ sai đi có gìn giữ được các cơ sở vật chất không, chứ không xét xem họ có làm cho đạo được phát triển chăng. Chúng tôi rất tiếc phải viết ra tất cả những điều đó. Nhưng vì chúng liên quan tới danh Chúa và uy tín của Giáo Hội, và không thể tránh được rằng chỉ trong ít lâu nữa, những lộn xộn phóng túng này sẽ được người ta biết đến, do vậy, các thừa sai thấy có bổn phận phải tường trình lên các bề trên cấp cao để các ngài có thể đưa ra phương thuốc hiệu nghiệm nhất theo xét định của các ngài.

9. Ý kiến về những cơn cám dỗ xảy đến nơi các thừa sai tông tòa Chúng tôi nghĩ là ở đây không lạc đề khi cảnh báo những ai sẽ tới làm việc trong các sứ vụ tông tòa nơi các vùng xa xôi nhất về một hay nhiều cám dỗ quấy phá tâm trí. Đó là khi Thiên Chúa muốn thử thách lòng trung tín nơi những thụ tạo của

Page 32: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

32

Ngài. Hay khi ma quỷ, nói đúng hơn con người tự nhiên bị thần dữ xúi giục, khi nó không còn ngăn cản được các nhà truyền giáo đừng đi, thì nó che mắt các ngài bằng ý tưởng các ngài sẽ chẳng làm được gì nhiều ở nơi sẽ tới, các ngài đã bỏ mồi bắt bóng, các ngài làm được nhiều việc hơn nếu ở lại trong nước mình. Ma quỷ cho thấy các nguy cơ đe dọa các ngài và các dịp sa ngã dễ đánh mất chính mình nơi xứ truyền giáo. Ma quỷ khơi dậy tình yêu quê hương nơi họ, nhắc lại những gì tốt đẹp mà các ngài đã để lại như thân nhân, bạn bè, những người đạo đức mà các ngài quen biết, các tổ chức mà các ngài có thể góp phần phát triển, cuộc sống yên lành êm ái các ngài có thể có, cùng với sự bảo đảm ơn cứu rỗi. Trái lại, nhìn về tương lai, chỉ thấy đầy những sợ hãi, bất an, tăm tối, cảm giác bị bỏ rơi và những đau khổ ghê gớm không tránh được. Tất cả những điều đó và nhiều điều tương tự khác thường làm xao động linh hồn nhà truyền giáo và còn xâm nhập vào con người hạ giới [con người phàm tục], là con người có xu hướng rời bỏ cuộc sống truyền giáo, một cuộc sống hoàn toàn dựa trên đức tin mà con người [hạ giới] ấy không biết gì hết.

Linh hồn được soi tỏ thì thấy ra 3 cách chống trả các cơn cám dỗ trên :

1, Cách thứ nhất là luôn luôn đẩy lui chúng cách mạnh mẽ ngay từ đầu.

2, Cách thứ hai là để cho chúng vào, sau đó dễ dàng tiêu diệt chúng hơn.

3, Cách thứ ba là để Chúa đánh thắng chúng.

Nhưng cách [sau cùng] này mặc dầu là con đường vinh quang nhất, vượt mọi vinh quang, không phải là cách mà tất cả mọi người nên theo, vì cách này giả thiết một tâm hồn đã hoàn toàn mặc lấy Chúa Kitô, hoàn toàn chìm đắm trong Người, luôn luôn được Thần Khí của Người hướng dẫn, đã hóa ra như

Page 33: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

33

không, luôn luôn là người bị động và không bao giờ là tác nhân trong tất cả mọi sinh hoạt. Mỗi người tùy theo ơn Chúa, sẽ chọn cách nào phù hợp nhất với mình.

10. Tin tức về việc truyền giáo xứ Pégu và về con đường bộ sang Trung Hoa Trong khi ở lại Masulpatam, các thừa sai hỏi thăm kỹ càng về tình hình tôn giáo trong vương quốc Pégu40 và xem có thể từ Pégu đi đường bộ sang Trung Hoa không. Họ được tất cả những ai đã tới và đã ở Ava, thủ đô của vương quốc lớn này, cho biết rằng nhà vua tuy thờ nguỵ thần nhưng cho phép người Kitô giáo hành đạo, các thừa sai được tự do tới nghe các sư sãi thuyết pháp, các sư sãi cùng dân chúng vui mừng và tò mò lắng nghe về các mầu nhiệm đức tin của chúng ta. Bởi vậy, chỉ còn việc gửi tới Pégu những người xứng đáng lo tìm duy nhất lợi ích của Chúa Giêsu Kitô và việc cứu rỗi các linh hồn. Trong thành Ava này có một nhóm tu sĩ, nhưng người ta nhận xét họ không có tất cả các đức tính cần cho một thừa sai. Về đường từ Ava sang Trung Hoa, chắc chắn chỉ cần 20 ngày đi bộ. Hiện giờ không thể dùng đường này được, vì nhà vua Pégu nghiêm cấm không cho ai qua lại, sợ quân Hung Nô khám phá ra. Nhà vua lo ngại sức mạnh của Hung Nô và sợ quân Hung Nô sau khi chiếm Trung Hoa sẽ xâm lăng Pégu. Đó là lý do duy nhất hiện nay khiến các thừa sai không dùng con đường rất dễ dàng này từ Masulpatam và từ các miền lân cận. Tuy nhiên lệnh cấm này chỉ ra từ vài năm, không có vẻ sẽ kéo dài mãi. Chứng cớ là tại Ava có hơn 50 gia đình Trung Hoa cư ngụ, họ từ Trung Hoa tới Pégu bằng đường bộ này.

40 Pégu và Ava tạo thành xứ Miến Điện ngày nay.

Page 34: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

34

Trước khi hoàn tất cuộc hành trình tại Masulpatam, rất cần phải cho biết về cơ hội đẹp nhất có thể gặp thấy hằng năm để tới Masulpatam hay tới Madraspatan, nơi 2 cha dòng Ca-pu-xanh người Pháp đang ở. Đó là nhờ nhiều con tàu Anh thuộc Công ty Luân Đôn, hay nhờ vài thương nhân, hằng năm đi thẳng đến các bờ biển này vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7. Con đường này rất thuận tiện và rất rẻ đến nỗi các con đường khác trở thành vô ích. Tới đây là người ta ở ngay cửa các miền truyền giáo, hoặc tiếp tục đường biển, hoặc dùng đường bộ đến vương quốc Xiêm. Nếu người Hòa Lan từ chối cho lên tàu của họ sang Malacca, người ta sẽ có tàu của Xiêm, hay những tàu khác của người Ả Rập hằng năm vẫn đi Malacca, Xiêm và các nơi khác.

Khám phá mới này không những có ích cho việc các thừa sai đến những vùng này, mà cũng thật đáng kể cho việc trao đổi thư tín từ Âu châu đến các miền truyền giáo và từ nơi truyền giáo về Âu châu, một cách độc lập đối với người Bồ Đào Nha và Hòa Lan. Đó là nhờ các cha dòng Ca-pu-xanh người Pháp tại Madraspatan, các ngài biết tin tức rất chính xác về những nơi có các thừa sai và những địa chỉ cần thiết cho công việc trên.

11. Ý kiến về người công giáo làm việc cho Công ty Đông Ấn của Hòa Lan Nếu ý kiến trước được xét là quan trọng, thì đây là một ý kiến còn quan trọng hơn và liên quan tới tất cả các người dân của các ông hoàng có đạo và cách riêng là Đức Vua nước Pháp41,

41 « Chính Chúa cho các vua trị vì trên các dân tộc, nên thật chính đáng rằng các vua hãy làm cho Chúa trị vì trên các tâm hồn và các vua hãy dùng uy lực đã nhận được từ Chúa để làm cho Chúa được tôn thờ nơi các đất nước. » (Jacques de Bourges, sđd, Épistre).

Page 35: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

35

vì số dân Pháp đông hơn. Đó là chuyện các người công giáo Rôma làm việc cho Công ty Đông Ấn của Hòa Lan.42 Không cần nghĩ đâu xa, các kẻ bất hạnh này để sinh sống cách lương thiện đã xin làm việc cho Công ty và đi tới vùng Đông Ấn hay các nơi khác, vì ước muốn sinh nhai. Họ vừa kéo buồm lên thì người ta đã ra lệnh cho họ phải dự các kinh nguyện và giảng thuyết trên tàu, ai vắng mặt sẽ bị phạt tiền, số tiền phạt tăng theo số lần vắng, tức tiền lương hứa hẹn sẽ giảm. Như vậy, một người nhất định không dự thì chẳng bao lâu sẽ trở thành con nợ của Công ty không bao giờ trả được, nên bị đặt vào thế hoặc cả đời làm nô lệ, hoặc tuyên bố qua các việc làm, rằng mình theo đạo gọi là cải cách. Luật đó còn nghiêm khắc trên cạn hơn trên biển, trên cạn nếu tới một nơi có nhà thờ công giáo, người ấy chỉ có thể đi nhà thờ cách lén lút và vẫn phải dự các kinh nguyện và giảng thuyết nơi những người Hòa Lan. Dĩ nhiên, không có chuyện tuân giữ các ngày lễ tôn kính các thánh, kiêng thịt các ngày cấm và giữ mùa chay.

Chính sách tệ hại trên đưa tới 3 hậu quả : hậu quả thứ nhất là người công giáo sẽ sớm trở thành kẻ lạc đạo ; hậu quả thứ hai là vì lập nghiệp trong các vùng thuộc người Hòa Lan, họ trở thành người dân của Hòa Lan và làm thành một nhóm quan trọng, như các nhóm người Pháp ở Batavia, Malacca và chỗ khác ; hậu quả thứ ba là họ cộng tác với người lạc đạo mà phá hoại đạo công giáo, trong tất cả các vùng họ đã chiếm và còn đang chiếm của người Bồ Đào Nha. Một khi họ làm chủ thì họ đuổi những người Bồ Đào Nha này đi, nếu muốn ở lại thì phải từ bỏ Giáo Hội Rôma. Đó là một nguyên tắc căn bản của Hòa Lan là không chấp nhận cho đạo công giáo, tông truyền và Rôma được tự do hành đạo trong các nơi thuộc quyền họ.

42 Người Hòa lan theo đạo Tin Lành.

Page 36: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

36

Từ đó, người ta có thể xét tới tình cảnh khốn khổ của những người công giáo làm việc cho Công ty này và công việc bác ái rất cao cả nơi những ai chữa chạy được tệ hại nặng nề đó.

Từ Commoron tới Ayutthaya ngày 22.8.1662

12. Các thừa sai ở Masulpatam đi Tenasserim Các thừa sai cầu nguyện xin Chúa cho biết Ngài muốn họ đi ngay từ Masulpatam, hay họ nên nghe lời cha Ephrem và cha Zenon cùng các bạn hữu hãy hoãn lại cuộc hành trình tới tháng 8, vì thời tiết xem ra nguy hiểm và mùa đi biển đã quá trễ. Các thừa sai không có ý định nào khác hơn là tới các nơi truyền giáo của họ sớm nhất. Vì vậy không quan tâm đến bất kỳ sự gì, họ lên một tàu của người Ả Rập đi Tenasserim ngày 26 tháng 3 và hôm sau giương buồm ra khơi. Họ cảm nghiệm được thế nào là bị mặt trời chiếu thẳng trên đầu, đặc biệt vào lúc lặng gió, và bắt đầu có các trận mưa mà người ta gọi là mùa đông trong vùng này.

Page 37: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

37

Từ Masulpatam tới Mergui là nơi cách Tenasserim 15 dặm, tàu đi từ ngày 27 tháng 3 tới ngày 28 tháng 4. Vừa tới Mergui, các nhân viên thuế quan làm việc cho vua Xiêm, tới xét tàu và ghi biên bản người và hàng hóa trên tàu. Sau đó, họ gửi một tờ trình các thứ họ thấy cho các quan chức ở Tenasserim, tùy các vị này quyết định cho tàu tiếp tục đi ngược lên tới Tenasserim hay phải chuyển sang thuyền nhỏ chở người và hàng hóa. Nhưng dù cách nào đi nữa thì cũng phải có phép. Không một ai được đi lại trên đất vua Xiêm mà không có giấy thông hành do quan trấn thủ và các viên chức nơi mình đặt chân đến cấp cho. Những người ở đây vô cùng chậm chạp trong tất cả việc giao dịch nên con tàu chúng tôi chỉ tới Tenasserim sớm nhất là ngày 19 tháng 5. Ngay ngày hôm đó, các thừa sai được phép rời tàu, tới nhà cha Jean Cardoze43, dòng Tên, người Bồ Đào Nha, cha này đã gửi một con thuyền nhỏ đến đón họ. Hôm sau, họ được giấy phép lấy hành lý, quan trấn và các viên chức khám xét hành lý rất sơ sài. Họ chỉ ngưng lại trước các chuỗi tràng hạt bằng sừng sơn đỏ mà họ tưởng là san hô để thu thuế cho nhà vua, thuế 8% trả bằng tiền, chứ không hề theo lượng giá như ở nơi khác. Họ không khám người, họ không lấy tiền tệ và các thừa sai có thể cất giấu dễ dàng các vật lạ mang từ Âu châu để làm quà biếu khi cần. Tiền chi phí phải trả từ Masulpatam đến Tenasserim cho người và hành lý không nhiều, 5 người và hành lý chỉ mất khoảng 42 đồng. Các thừa sai thấy cha Jean Cardoze đang phụ trách 2 nhà thờ, trong khi chờ có người tới thay ông cha cũ là người đã phụ trách một trong 2 nhà thờ, cha này từ trần hồi tháng 1 trước. Sau 2 ngày ở nhà cha Jean Cardoze, các thừa sai tới ở nhà cha đã mất và lưu lại đó trong suốt thời gian ở Tenasserim.

43 Cha Jean Cardoze (1619-1676) sẽ trở thành cha bề trên các cha dòng Tên tại Xiêm khoảng năm 1665.

Page 38: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

38

Vì không thể và cũng xét thấy không nên giấu phẩm tước của Đức cha Beryte, ngài được các bổn đạo và cha Jean Cardoze yêu cầu ban phép thêm sức, nên ngài đã ban phép vào thứ tư và thứ bảy Tuần Bốn Mùa lễ Hiện Xuống. Nhưng vì lòng yêu mến Chúa Giêsu Kitô hối thúc các thừa sai lên đường, họ đã làm mọi cách để sớm có giấy thông hành mà họ nhận được cách khá vất vả và phải trả 10 đồng ê-cu tiền gửi giấy tờ.

Vì đã chuẩn bị mọi sự để lên đường, các thừa sai không thể để mình bị ngăn trở bởi các bổn đạo muốn họ ở lại lâu hơn mà an ủi họ. Người ta còn can ngăn rằng vì mùa mưa đã tới, đường xá sẽ rất khó đi. Nhưng phó thác mọi sự trong tay Chúa Quan Phòng, các thừa sai rời Tenasserim hôm 31 tháng 6 [sic].44 Thiên Chúa đã cho thấy trong cuộc hành trình này, Người chăm sóc đặc biệt những ai thờ phượng Người trong tinh thần và trong sự thật và đặt tất cả lòng trông cậy vào Người. Bởi vì trong 5 con tàu rời Masulpatam đi Tenasserim vào năm này, chiếc thứ nhất mang theo các mệnh lệnh và thư từ của dòng Tên cho tất cả các vùng ở đây thì đã bị đắm ; chiếc thứ hai người ta cho là cùng chung số phận, vì đã ra đi từ lâu mà không có tin tức gì ; chiếc thứ ba bị bão đánh tơi bời và rơi vào cảnh cùng cực ; và trong 2 con tàu còn lại, con tàu chở các thừa sai là còn được may mắn hơn. Về những gì liên quan tới tôn giáo, nên nói qua về việc đưa đức tin của chúng ta vào các vùng này, nếu có những người thợ Tin Mừng thích hợp với những sứ vụ tông tòa. Cả vương quốc này theo lương giáo và nguỵ giáo, và ở trong một sự dốt nát kinh khủng. Các thừa sai đi thăm một trong những nhà sư chính mà

44 Tất cả các bản bút tích tìm được đều viết « ngày 31 tháng 6 » : « le 31 de Juin », (trong khi đó, tháng 6 chỉ có 30 ngày). Nhưng sai lầm này sẽ được cải chính ngay ở đoạn tiếp theo : « Các thừa sai rời Tenasserim ngày 30 tháng 6 đi Jalinga. » Tác phẩm của cha Jacques de Bourges viết « ngày 30 tháng 6 » (« Le trentième de Iuin »), sđd, tr. 130.

Page 39: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

39

họ gọi là « talapouins »45 ; bằng thông dịch viên, các thừa sai trao đổi với nhà sư về niềm tin của ông. Nhưng họ thấy con người đáng thương này đầy tăm tối, mâu thuẫn và vô lý, không nêu ra những lý lẽ nào khác hơn là kinh điển của họ đã viết như thế. Ngoài ra, nhà sư khá hài lòng lắng nghe tất cả những gì chúng tôi nói với ông, ông kính nể các người Kitô hữu mà ông tin rằng đạo của các Kitô hữu này là đạo tốt. Và chính vì duy nhất điều đó mà ở nơi này các Kitô hữu có được tất cả mọi thứ tự do, người ta nghe được tiếng chuông nhà thờ, thấy được các giáo đường mở cửa, trong đó người ta hát kinh nguyện và giảng dạy cách công khai mà không hề bị một chút ngăn cản nào.

13. Quyết tâm của các thừa sai trước khi rời Tenasserim Các thừa sai càng ngày càng rời xa quê hương xứ sở mình và tiến gần đến mảnh đất mà Thiên Chúa hứa ban cho họ. Họ luôn đón nhận được thêm tình thương xót và ánh sáng tinh tuyền hơn từ Chúa Giêsu Kitô. Lòng nhân hậu vô bờ của Chúa buộc họ phải thường xuyên nghĩ rằng họ có thể đáp trả lại tình yêu của Ngài bằng những dấu chứng một lòng trung thành lớn lao hơn. Họ đã khẩn nài lâu giờ trước Thiên Chúa rất nhân từ để học biết từ Thiên Chúa cách nào có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa cho trọn hảo.

Câu trả lời họ nhận được chính là hãy giữ và thực hành các lời khuyên Phúc Âm theo mức độ mà Ngài đòi hỏi họ phải thi hành. Hơn nữa, họ phải biết rằng không có gì trong Phúc Âm mà không phải là luật mến Chúa và yêu người, đó là điều mà họ buộc phải giữ vì ơn gọi cao cả và thiêng liêng của họ.

45 Chữ « talapouins » hay « talapoins » : người Bồ Đào Nhà thời đó dùng chữ này để chỉ các sư sãi Phật giáo.

Page 40: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

40

Nhận thức được điều đó khi nguyện ngắm, các thừa sai đã hạ mình khiêm tốn và thấy ra rằng họ phải nhắm tới một mục đích cao cả hơn trong các hoạt động và trong việc thực tập các nhân đức. Họ cũng nhận ra rằng cho tới nay họ đã sống một cách quá tầm thường và ít phù hợp với bậc sống của mình, bậc sống đòi hỏi một sự tự hủy hoàn toàn cả bên ngoài lẫn bên trong. Sau khi trao đổi với nhau về những đòi hỏi rất chính đáng của một vị Thiên Chúa đã yêu thương họ đến thế, họ đã quyết tâm đón nhận và tuân theo sự hướng dẫn tinh tuyền từ nội tâm. Tâm nguyện này lại được củng cố thêm ngay sau đó bằng những đặc ân mới của Chúa, khi Ngài đòi hỏi họ từ nay trở đi hãy thực hành tất cả những lời khuyên Phúc Âm về sự hãm mình khổ hạnh nội tâm và nhiều lời khuyên Phúc Âm về sự khổ chế bên ngoài. Thật vậy, lòng nhân từ Chúa đã cho họ có nhiều cơ hội phải vui chịu khi mình bị khinh dể, cầu nguyện cho kẻ đối nghịch với mình, được chịu nhiều cuộc bách hại nhỏ bé, chịu mất những khoản tiền đáng kể hơn là dùng luật pháp bản xứ để kiện cáo. Tóm lại, họ rất đỗi vui mừng khi thấy mình bị hạ xuống đến như thế, do hành động của Chúa, mà không bao giờ làm theo ý mình.

Cách hành động đó, ban đầu dường như là không tài nào thực hiện nổi và rất nghiệt ngã, tuy nhiên sau đó lại tràn đầy thiện hảo, êm dịu và ủi an. Điều khó khăn nhất là tự thuyết phục mình tin được như vậy, là tin vào Phúc Âm, với sự vâng phục như một Kitô hữu đích thực vâng giữ lời Con Thiên Chúa và đem ra thực hành, để không là kẻ vô ơn đối với lòng thương xót của Ngài. Các thừa sai, nhận biết Thiên Chúa đòi hỏi nơi họ việc thực hành trên, đã quyết định thường xuyên cùng nhau hội thảo về tất cả những sự Thiên Chúa gởi đến cho họ, để họ có thể dốc hết sức thực hành theo những lời khuyên dạy của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, nhờ ơn thánh của Ngài.

Page 41: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

41

14. Các thừa sai rời Tenasserim đi Xiêm Mọi sự đã sẵn sàng cho cuộc hành trình tới kinh đô của Xiêm, gọi theo tiếng địa phương là Judia, chúng tôi gọi là Xiêm.

Các thừa sai rời Tenasserim ngày 30 tháng 6 đi Jalinga, trên 3 chiếc thuyền nhỏ có mái che bằng lá, mỗi chiếc có 3 người điều khiển, mỗi người được trả khoảng 12 đồng ê-cu. Phải nấu nướng ăn ngủ trong thuyền, không thể ngủ ban đêm trên cạn, vì rừng rậm đầy cọp, cá sấu và các thú ăn thịt khác. Họ tới Jalinga ngày 6 tháng 7. Cuộc hành trình này may cho các thừa sai, vì chiếc thuyền chở Đức cha Beryte và cha Deydier, một trong các thừa sai, bị đắm. Đó là lúc phải qua một khúc sông chảy rất xiết, 2 con thuyền kia đã qua được một lúc, nhưng con thuyền này không qua được thì bị nước cuốn và đập vào một thân cây khô trong dòng sông. Đức cha Beryte không biết bơi, bám vào cây và ở trên đó trong tư thế người cỡi ngựa cho tới khi được người ta tới cứu. Ngài có đủ thời gian cùng với cha Deydier vui lòng chấp nhận tai nạn đắm thuyền do Chúa quan phòng cho xảy tới và làm khán giả mà nhìn con thuyền chìm xuống vực sâu. Họ chờ một con thuyền khác đang trở lại Tenasserim, để xin chở tới Jalinga chỉ cách đó 3 hay 4 giờ đi đường. Trong số những đồ bị mất, có các giấy thông hành của chúng tôi, nên một thừa sai phải trở về Tenasserim để làm lại giấy thông hành hầu có thể đi xa. Tuy vậy, suy nghĩ về ơn lớn lao Chúa mới ban cho, các thừa sai dâng Chúa lời tạ ơn, như vừa được một trong những ân huệ lớn lao nhất mà họ có thể nhận được từ lòng thương xót và tình yêu của Người. Cha Deydier đã từ Tenasserim trở lại, chúng tôi chỉ nghĩ tới chuyện tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng phải đợi tới ngày 29 tháng 7 mới đi được. Phải quen với những loại xe ở địa phương này là những cỗ xe do bò kéo. Chúng tôi thuê 5 cỗ xe như vậy, với giá là 10 đồng ê-cu một cỗ xe, để đưa chúng tôi tới Pipely.

Page 42: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

42

Hồng ân mà Đức cha Beryte nhận được từ Thiên Chúa vào hôm đó thật là quá lớn nên không thể không chia sẻ ra với các bạn hữu. Nhân có chuyện ẩu đả xảy ra giữa người thông dịch, các người đánh xe của các thừa sai và các người đánh xe khác đang say rượu. Những người say rượu này không muốn để cho các xe chở các thừa sai đi qua đó. Đức cha Beryte muốn tới giàn xếp chuyện cãi vã, đã bị một tên say đánh cho ba gậy to. Ngài đã chấp nhận lấy cách vui vẻ đến rơi nước mắt ra, vì ngài đã nhận lãnh theo ý muốn của Đấng Quan Phòng và ngay trong lúc thi hành ơn gọi của ngài. Đó là những ngày tới và rời Jalinga rất bình an cho các thừa sai. Một chút ngăn trở qua khỏi, các thừa sai tiếp tục cuộc hành trình, đi theo các người đánh xe bò. Người này đi chân đất, người kia đi giày mà không mang vớ, vì họ hay phải lội nước, lội bùn. Khó mà diễn tả được sự hài lòng của các thừa sai lúc chịu một chút đau khổ vì Chúa, và khó nói ra được niềm vui của họ trong tình trạng đó. Và để cố gắng lợi dụng các dịp Chúa ban, đôi khi họ giúp các người đánh xe khi xe bị lật, hay giữ cho bò đi vững trên đường. Họ vui lòng làm những việc lặt vặt như thế. Họ cũng vui mừng khi thỉnh thoảng bị thiếu nước uống và thấy mình bị giảm thiểu tới mức chỉ còn lại cái cần thiết giản dị nhất. Cuối cùng, sau 16 ngày hành trình như vậy, họ tới Pipely vào ngày 13 tháng 8. Ở đây, dựng lên một bàn thờ, họ được niềm an ủi và một hồng ân lớn là dâng thánh lễ ngày Đức Mẹ Lên Trời. Niềm hạnh phúc này lớn đến nỗi họ dễ dàng quên hết mọi cực nhọc, chúng được gọi như vậy, chứ thực ra chúng đem lại một sự an ủi hết sức sâu xa. Ngày hôm sau, các thừa sai lên một con thuyền thuê 15 đồng ê-cu để đưa họ tới Xiêm, kinh đô vương quốc. Họ đi bộ khoảng trọn một ngày thì tới bờ biển, rồi đi thêm 24 tiếng nữa tới cửa

Page 43: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

43

con sông Xiêm lớn và đẹp46. Thuyền đi ngược dòng, tới nơi ngày 22 cùng tháng. Trong cuộc hành trình ngắn ngủi này, các thừa sai không gặp phiền hà nào bên ngoài, ngoại trừ các con muỗi nhỏ. Mặt trời vừa khuất là chúng xuất hiện, chúng chích rất đau và chỉ biến đi lúc 7 hay 8 giờ sáng. Trong suốt thời gian đó, không sao ngủ được vì cứ phải luôn luôn đuổi muỗi mà chúng thì lại nhiều quá sức.

Từ Paris tới Ayutthaya

< >

46 Tức sông Mê-nam (Chao Phraya).

Page 44: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

44

Lịch hành trình

Năm 1660 11/6 : chịu chức giám mục tại Paris 18/6 : rời Paris 28/6 : tới Lyon 09/9 : tới Marseille 27/11 : rời Marseille 03/12 : tới Malta 28/12 : tới Chypre

Năm 1661 11/1 : tới Alexandrette 22/1 : tới Antiokia 25/1 : tới Alep 04/3 : tới Bagdad 30/3 : tới Bassora 14/5 : tới Schiras 12/6 : tới Hispaham 08/10 : trở lại Schiras 30/10 : tới Commoron 28/12 : tới Surate

Năm 1662 06/3 : tới Masulpatam 28/4 : tới Mergui 19/5 : tới Tenasserim 13/8 : tới Pipely 22/8 : tới Ayutthaya

< >

Page 45: Đức cha Lambert de la Motte 1660-166… · 27 tháng 11 và tới đảo Malta ngày 3 tháng 12. Họ ở lại đây 18 4 Các bản ký sự vi ết tay và tác phẩm của

45

Mục Lục

Lời giới thiệu ..........................................................................1 1, Từ Paris đến Bassora . ......................................................... 4 2, Suy nghĩ về các đức tính ................................................... 11 3, Ý kiến của các thừa sai ..................................................... 13 4, Các thừa sai tiếp tục đi từ Bassora tới Hispaham ............... 16 5, Suy tư về có thể làm gì cho đạo ........................................ 18 6, Các thừa sai tông tòa ở Hispaham...................................... 19 7, Các thừa sai rời Hispaham................................................. 22 8, Tiếp tục chuyến đi từ Surate tới Masulpatam ..................... 26 9, Ý kiến về những cơn cám dỗ ............................................. 31 10, Tin tức về việc truyền giáo xứ Pégu.................................32 11, Ý kiến về người công giáo làm việc cho Công ty............. 34 12, Các thừa sai ở Masulpatam đi Tenasserim ....................... 36 13, Quyết tâm của các thừa sai .............................................. 38 14, Các thừa sai rời Tenasserim đi Xiêm ............................... 40 Lịch hành trình .................................................................... 43

© Đào Quang Toản, 2018